Di tích Người Pháp gốc Việt

Phương đình xây trên nền cũ của Đền tử sĩ lính Đông Dương

Trước năm 1954

Đền tử sĩ

Rải rác ở Pháp có một số di tích ghi dấu chân người Việt. Ở Nogent-sur-Marne trong Jardin tropicale de Paris, thuộc Bois de Vincennes còn nền cũ ngôi đền tử sĩ tưởng niệm lính Đông Dương, tức temple du Souvenir Indochinois, tức Nghĩa sĩ từ.[56] Đây nguyên thủy là một ngôi nhà cất ở Thủ Dầu Một rồi rỡ ra đem sang Pháp dùng cho cuộc Exposition coloniale de Marseille 1906, thường gọi Đấu xảo Thuộc địa. Qua năm sau chính phủ Pháp cho chuyển về Nogent-sur-Marne và đến năm 1917 thì ngôi nhà đó được dùng làm đền tử sĩ, có sắc phong (1919) của vua Khải Định. Nhà vua còn đến viếng ngôi đền này năm 1922 nhân chuyến công du sang Pháp.

Năm 1984 đền bị phá hủy hoàn toàn trong cơn hỏa hoạn, nay chỉ còn phần nền với bậc tam cấp tạc đôi rồng đá. Một phương đình tân tạo nhỏ nay nằm ở vị trí này.

Chùa Hồng Hiên

Ở miền nam nước Pháp thì có chùa Hồng Hiên, do người Việt lập nên từ năm 1917 và được biết đến là ngôi chùa cổ nhất ở Pháp.

Sau năm 1954

Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris

Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, thành phố Paris (Pháp) là một phần quan trọng trong giai đoạn Nguyễn Ái Quốc ở Pháp[57]. Căn phòng của Nuyễn Ái Quốc chỉ rộng chừng 9 m vuông, thiếu thốn, sơ sài, hầu như không có đồ đạc và không có phương tiện sưởi ấm do tọa lạc ở một khu dành cho dân lao động. Căn nhà này gắn liền với câu chuyện Nguyễn Ái Quốc dùng một viên gạch nung nóng và bọc bằng báo để sưởi ấm trong mùa đông của Pháp. Ngôi nhà cũ đã được phá đi để xây mới sau nhiều năm xuống cấp. Để tưởng nhớ quá trình Nguyễn Ái Quốc sống tại Pháp, chính quyền Thủ đô Paris đã gắn một tấm biển gợi nhớ về thời gian Hồ Chí Minh từng hoạt động tại Paris, trong đó ghi rằng “Tại đây, Nguyễn Ái Quốc, còn được biết đến với tên gọi Hồ Chí Minh đã từng sống và chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức từ năm 1921 đến năm 1923”. Các hiện vật của Nguyễn Ái Quốc khi sống tại đây đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chuyển về Bảo tàng Hồ Chí Minh bao gồm cả viên gạch hồng[58].

Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử (Musée de l’Histoire Vivante), thành phố Montreuil, ngoại ô Paris

Từ năm 2000, Bảo tàng Lịch sử (Musée de l’Histoire Vivante) đã dành một phòng trưng bày mang tên “Không gian Hồ Chí Minh” với mục đích tái hiện căn phòng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống ở ngõ Compoint[59]. Căn phòng bao gồm những đồ đạc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng khi còn ở Pháp trong thập niên 1920 và tấm biển nhà số 9. Bên cạnh đó còn có tấm thẻ hành nghề, thẻ Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Đảng Cộng sản Pháp và các hoạt động của Hồ Chí Minh tại Pháp[60]. Tại đây cũng lưu lại bút tích được ghi trong sổ vàng của khu tưởng căn phòng này của các nhà lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều du học sinh Việt Nam, Việt kiều cũng như các vị khách du lịch để bày tỏ cảm xúc và tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Danh nhân văn hóa thế giới. Ngay bên cạnh nhà bảo tàng là một bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặt trong khu vực trang trọng, dưới những tán cây, được chăm sóc cẩn thận. Đây thường là nơi mọi người có thể tới dâng hoa, thể hiện tấm lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung ghi ở tấm biển dưới bức tượng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890 – 1969, người anh hùng giải phóng đất nước, nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam” (theo UNESCO 1987)[58].

Tượng đài kỷ niệm người lính thợ

Trong sân tòa thị chính Arles ở Salin-de-Giraud Tháng 10 năm 2014[61] nhà chức trách cho dựng bức tượng cách thể vinh danh đóng góp của người lính thợ Việt Nam đã khai sáng ra nghề trồng lúa ở Camargue.[11]

Tháng 11 năm 2015, thành phố Montpellier, Hérault cũng dựng bia ghi nhớ 19 người lính thợ Đông Dương đã bỏ mình trên đất Pháp đóng góp cho chính quốc. Mặc dù họ đã bỏ công sức của xây dựng nước Pháp, nhóm lính thợ bị ngược đãi, giam giữ trong trại cấm Agde và đã chết tại đấy.[62]

Đài kỷ niệm thuyền nhân

Ngày 12 tháng 9 năm 2010 tượng đài kỷ niệm thuyền nhân Việt Nam với tên Niềm mơ ước của Mẹ (tiếng Pháp: Le Rêve de la Mère) được dựng ở bùng binh "Rond point Saigon", ngã tư thông lộ André Malraux và đại lộ des Genêts thuộc xã Bussy-Saint-Georges, thị trấn Marne-la-Vallée.[63] Tượng đài này có bốn mục đích:

  1. Tưởng niệm người tỵ nạn thuyền nhân Việt Nam
  2. Tri ân nước Pháp
  3. Ghi ơn bậc phụ huynh
  4. Vinh danh đóng góp của người Pháp gốc Việt.

Đây là bức tượng bằng đồng do điêu khắc gia Vũ Đình Lâm thực hiện.[64]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người Pháp gốc Việt http://vietluan.com.au/thong-tin-ve-mien-nam http://www.accessmylibrary.com/coms2/summary_0286-... http://books.google.com/books?id=7QEjPVyd9YMC&pg=P... http://www.google.com/books?id=EpuLWVqCC1AC http://www.google.com/url?sa=U&start=8&q=http://re... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp... http://www.rue89.com/2009/12/07/20-000-travailleur... http://www.tuongdaibussy.com/ http://journal.tvfil78.com/article/journal-2008-07... http://vietluanonline.com/251111/Hanoidapphaquancu...